Sự tích Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

(0)
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người sáng lập ra đạo Phật, một trong những tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới trong lịch sử cũng như hiện nay. Đức Phật Tổ có nhiều tôn hiệu khác nhau.
Cẩm nang kiến thức phong thủy trực tuyến

  Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người sáng lập ra đạo Phật, một trong những tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới trong lịch sử cũng như hiện nay. Đức Phật Tổ có nhiều tôn hiệu khác nhau. Tất cả những tôn hiệu này đều xuất hiện sau khi Ngài tu hành đắc đạo và thuyết pháp độ chúng.

I. VÀI NHẬN ĐỊNH KHI HỌC LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT

  1. Ngài là một vị Đại Bồ Tát ra đời vì bản nguyện độ sanh, vì lẽ đó, lịch sử của Ngài có tính cách siêu việt hơn người thường.
  2. Vì lòng từ bi lợi tha và tự chủ trong sự thọ sanh, nên mỗi cử động trong đời Ngài đều hướng về sự giáo hóa trên đường giải thoát.
  3. Nên nhận rõ ý nghĩa của lịch sử hơn là câu nệ từng chi tiết nhỏ.

 II. THÂN THẾ CỦA NGÀI

Đức Phật Thích ca nguyên tên là Tất Đạt Đa. Họ Ngài là Thích Ca, một chi nhánh của họ Kiều Tất La, là một quý tộc. Tên Ngài nói đủ là Kiều Tất La Thích Ca Tất Đạt Đa (Kosala akya Siddhrtha). Còn Mâu Ni là đức tính trong sạch, vắng lặng của Ngài, chỉ là tiếng để khen ngợi.

Ngài là con vua Tịnh Phạn nước Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu), mẹ Ngài là Hoàng hậu Ma Da. Nước Ca-tỳ-la-vệ tức là xứ Pipaova ở phía Bắc thành Ba-la-nại (Bénares) ngày nay, phía nam nước Nepal.

III. NGÀY VÀ CHỖ SINH CỦA NGÀI

Thái tử sinh lúc mặt trời vừa mọc, nhằm ngày trăng tròn tháng hai Ấn Độ, tức là ngày mồng tám tháng tư lịch Tàu. Ngài sinh vào khoảng 544 năm trước Tây lịch. Theo tục lệ Ấn Độ đàn bà có chồng lúc sinh nở phải trở về nhà cha mẹ. Bà Hoàng hậu Ma Da trở về ngang qua vườn Lâm-tỳ-ni của vua Thiện Giác thì sinh Ngài dưới cây Vô Ưu. Khi mới sinh, Ngài đứng trên hoa sen, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, miệng nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn, nhất thiết thế gian, sinh lão bệnh tử”, nghĩa là trên trời dưới trời chỉ có ta là hơn hết. Tại sao ta hơn hết? Vì trong tất cả thế gian, ta đã vượt khỏi sanh già bệnh chết. Phật hơn tất cả thế gian vì Ngài đã qua khỏi sanh già bệnh chết. Đó là cái hơn theo tinh thần Nguyên thủy.

 IV. TƯỚNG MẠO VÀ TÀI NĂNG CỦA THÁI TỬ

Khi Thái tử sanh có nhiều điềm rất lạ, trời mưa hoa thơm, nhạc trời chúc tụng, quả đất rung động. Thái tử sanh ra có 32 tướng tốt. Ông tiên A-Tư-Ðà đến đoán tướng Ngài nói rằng: "Thái tử có đủ 32 tướng tốt, nếu làm vua thì làm vị Chuyển luân thánh vương; nếu xuất gia tu hành thì Ngài sẽ thành Phật để dìu dắt muôn loài”. Ngài sinh ra vừa được bảy ngày, mẹ Ngài từ trần. Bà dì Ngài là bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề nuôi nấng chăm sóc Ngài. Ngài rất thông minh, các vị giáo sư danh tiếng dạy Ngài đều phải bái phục.

 V. ĐỜI SỐNG CỦA THÁI TỬ

Thái tử sống trong cảnh cực kỳ sung sướng và được sự nuông chiều hết sức của vua cha. Xung quanh Ngài luôn luôn có vũ nữ ngày đêm đàn ca xướng hát để làm vui lòng Ngài. Tuy Thái tử sống trong xa hoa lộng lẫy, nhưng Ngài không bao giờ say đắm, Thái tử vẫn trầm tư mặc tưởng và trên mặt luôn luôn lộ một vẻ buồn kín đáo, thương người thương mọi vật. Tuy văn võ hơn người. Ngài vẫn khiêm tốn lễ độ, không kiêu căng tự đắc.

Ngài đã tỏ với vua cha xin đi xuất gia để tìm phương cứu mình, cứu đời. Đoán biết ý con, vua Tịnh Phạn sinh sợ sệt và tìm đủ mọi cách tăng thêm dục lạc, mong làm khuây được chí nguyện xuất gia của Ngài.

 VI. THÁI TỬ LẬP GIA ĐÌNH

Ðến 17 tuổi, Ngài vâng theo lời của Phụ vương kết hôn với nàng Da Du Ðà La. Theo tục quý phái xưa, Thái tử đã chiến thắng tất cả thanh niên đến dự các buổi thi và lựa nàng Da Du là người tươi đẹp nhất trong các Công chúa muốn được làm vợ ngài. Thái tử và công chúa sanh được một người con tên là La Hầu La.

 VII. THÁI TỬ TIẾP XÚC VỚI ĐỜI

Vì có lời tiên đoán của ông A-Tư-Ðà, nên vua Tịnh Phạn không cho Thái tử tiếp xúc với cảnh khổ; nhưng vì Thái tử khẩn khoản cầu xin, vua Tịnh Phạn để cho Thái tử du ngoạn và tiếp xúc với thực trạng của cuộc đời.

  • Cảnh khổ thứ nhất (Sống là khổ): Một hôm Ngài theo vua cha dự lễ cày cấy. Thấy người và vật vất vả, khổ đau dưới ánh nắng thiêu đốt để đổi lấy bát cơm, chim chóc dành nhau mổ ăn các loài côn trùng giẫy giụa trên luống đất mới. Ngài thương xót buồn rầu vô hạn. Ngài thương chúng sanh đau khổ vì sống, và vì món ăn phải giết lẫn nhau.
  • Ba cảnh khổ của cuộc đời (Già, bệnh, chết): Lần sau Ngài lại xin phép Phụ vương ra cửa thành dạo chơi. Lần thứ nhất Ngài gặp một ông già tiều tụy, da nhăn, lưng còm, mắt lòa, tai điếc. Lần thứ hai Ngài thấy một người tật bệnh bụng to cổ trướng rên la khổ sở. Lần thứ ba Ngài gặp một đám tang, thân nhân gào khóc thảm thiết. Ngài nhận hiểu được rằng: sống ở đời giàu nghèo sang hèn đều bị đau khổ đoanh vây áp bức: già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ.

 VIII. CHÍ NGUYỆN XUẤT GIA CỦA THÁI TỬ

Sau nhiều lần mục kích những thảm trạng già, đau, bệnh, chết và sự bất công, mạnh hiếp yếu, khôn lấn dại, trong những cuộc du ngoạn ở bốn cửa thành. Thái tử Tất Đạt Đa cảm nhận được những nỗi thống khổ của con người, Ngài bị xúc động mạnh mẽ. Sau khi thấy sự đau khổ của chúng sinh, Ngài luôn luôn tưởng nghĩ đến chúng sinh, nghĩ đến những nỗi đọa đày lầm than của chúng sinh và Ngài luôn luôn nghĩ suy tìm phương pháp cứu chúng sinh thoát khỏi biển trầm luân khổ ải. Mặt Ngài thường hiện vẻ lo buồn trầm mặc. Ngài lo buồn cho chúng sinh, Ngài trầm mặc để tìm phương pháp cứu độ chúng sinh thoát khỏi đau khổ.

Lần thứ tư ra dạo chơi ngoài cửa thành, Ngài gặp một Vị Sa-môn thanh cao bình-tỉnh. Ngài hỏi rằng: "Ngài là ai?" Vị Sa-môn đáp: "Tôi là người đã thoát khỏi sự đau khổ của già, đau, chết". Thái tử liền hiểu được rằng, chỉ xuất gia tìm đạo là phương pháp cứu chúng sanh thoát khỏi bể khổ mênh mông.

 IX. TÌM CHÂN LÝ VÀ TU ĐẠO

Với một ý chí cương quyết tìm chân lý, nên trong một đêm kia sau buổi yến tiệc linh đình, Ngài thừa lúc mọi người đang ngủ say, lặng lẽ ra khỏi cửa thành. Ngài định đánh thức bà Da Du Ðà La nói đôi lời từ biệt, nhưng sợ lòng nhi nữ hay bịn rịn có thể ngăn trở ý định, Ngài chỉ đành nhìn vợ con lần cuối cùng rồi gọi người hầu cận trung thành là Xa Nặc, thắng ngựa Kiền Trắc, hai thầy trò ra đi, quân canh còn mãi ngủ chẳng hay biết gì cả. Ngài ra đi lúc 19 tuổi, vào ngày trăng tròn tháng hai vào lúc giữa đêm.

Đi sâu vào rừng đến bờ sông Anoma, Ngài cắt tóc và thay đổi y phục trao lại bảo Xa Nặc đem về dâng Phụ hoàng và tỏ rõ sự tình. Từ đây, Thái tử đã trở thành một đạo sĩ và dấn thân trên đường tìm đạo. Ngài đi đến thành Vương Xá (RajagrÌha) xứ Ma Kiệt Đà, tìm đến các vị Đạo sĩ Bà La Môn mà tham khảo phương pháp tu hành. Sau một thời gian tu luyện, Ngài không thỏa mãn vì cho rằng chưa được rốt ráo. Ngài liền vào rừng Ưu-Lâu-Tần-Loa xứ Phật Đà Già Da (Bouddhagaya) tu hạnh ép xác, một ngày chỉ ăn một hạt mè, hạt gạo và suy nghĩ trong sáu năm, song vẫn thấy vô hiệu. Ngài nhận thấy lối tu khổ hạnh ấy không phải là lối tu giải thoát. Và sau khi nhận bát sữa của nàng Tu Xà Đề dâng cúng, thân thể bình phục, tâm hồn sảng khoái, Ngài đến dưới gốc cây Bồ Đề ngồi trên thảm tọa và phát nguyện: "Nếu không tìm ra chân lý thì thà chết ta không rời thảm tọa này". Trải một thời gian thiền quán, Ngài đã chiến thắng được tất cả những tật xấu xa của thân thể và nội tâm. Ngài lại uốn dẹp được mọi sự phá rối của ma vương bên ngoài.

Đầu đêm, Ngài chứng được Túc Mạng Minh, thấy rõ ràng những đời quá khứ, hiện tại, vị lai; nửa đêm, Ngài chứng được Thiên Nhãn Minh, thấy được cả vũ trụ bao la; cuối đêm vào lúc sao mai mọc, Ngài chứng được Lậu Tận Minh, nhận chân nguồn gốc sanh tử luân hồi là sự mê mờ gọi là vô minh và hoàn toàn giác ngộ.

Ngài đã thành đạo vào lúc sao mai mọc, ngày 8 tháng Chạp. Sau khi thành đạo, Ngài đã than: "Than ôi! Chúng sanh vốn đầy đức tướng trí huệ Như lai, nhưng chỉ vì vô minh che lấp nên phải sanh tử luân hồi đấy thôi!".

X. THUYẾT PHÁP ĐỘ SANH

Sau đó, Ngài liền đến vườn Lộc uyển nói pháp Tứ Đế độ cho năm ông tỳ kheo (Kiều trần như, Ac bệ, Thập lục ca diếp, Ma ha nam Câu ly và Bạc đề). Từ đó đạo Ngài truyền khắp xứ Trung Ấn Độ và lan mãi khắp hoàn cầu.

XI. NHẬP DIỆT

Trải qua 49 năm trên đường giáo hóa, Ngài đã tận lực gieo rắc ánh đạo vàng khắp đó đây, hóa độ chúng sanh. Vô số người đã được mang ơn pháp nhũ của Ngài mà trở về với chính đạo. Nhân duyên đã mãn, những người nên độ đều đã độ xong. Ngài vào niết bàn tại rừng Ta La Song Thọ, để lại những nỗi thương tiếc tràn ngập cả lòng người. Ngài nhập diệt lúc 81 tuổi, nửa đêm ngày Rằm tháng hai âm lịch.

 XII. VÀI Ý NGHĨA CẦN NHẬN THỨC TRONG LỊCH SỬ PHẬT

  1. Vì lòng từ bi, Ngài ra đời cốt để vạch cho chúng sinh một con đường cao quý ý nghĩa hơn, so với kiếp sống mong manh hiện tại.
  2. Tuy sống trang đài danh vọng, Ngài vẫn cảm thấy những nỗi vô vị của vật chất. Và Ngài đã nói rằng: "Hạnh phúc không phải chỉ tìm trong khoái lạc của vật chất".
  3. Những cuộc du ngoạn và nhiều lần mục kích những thảm cảnh của con người, Ngài đã cho ta thấy rằng: "Đời là một bể khổ đầy dẫy những bất công, tội lỗi, nếu ta duy trì mãi tình trạng mạnh hiếp yếu, khôn lấn dại, và thiếu một lòng thương thành thật".
  4. Anh sáng có thể trở lại với những tâm hồn vị tha rộng rãi, biết hy sinh dục vọng riêng tư. Và chỉ có chân lý Ngài đã tìm ra, sau bao cuộc thử thách chiến đấu với ma chướng mời là phương pháp cứu khổ độ lạc.
  5. Sự hy sinh liên tiếp trong vô số kiếp của Ngài, đã làm cho Ngài trở nên một đức Phật đầy đủ phước đức và trí huệ. Muốn cảm thông và được sức gia hộ của Ngài, chúng ta phải thường niệm đến danh hiệu của Ngài và làm theo lời Ngài dạy.
  • Tổng thư ký Hiệp hội dịch học Thế giới phân hội Việt Nam

  • Viện phó thường trực Viện nghiên cứu & Phát triển Văn hóa Phương Đông

  • Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc Phong thủy Tam Nguyên.

Đặt Lịch Tư Vấn

Quý khách để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất trong vòng 24h
1900.2292
1900.2292 Facebook Page Facebook Messenger Zalo Chat Chat trực tiếp

Hỗ trợ