Lễ Vu Lan Và Những Điều Cần Làm Trong Ngày Lễ Đặc Biệt Này
Rằm Tháng 7 là ngày gì?
Rằm Tháng 7 (hay còn gọi là lễ Vu Lan), là ngày lễ để con cái báo đáp công ơn sinh thành của cha mẹ, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Lễ này trùng với Tết Trung Nguyên của người Hán và cũng trùng với ngày rằm tháng 7 “Xá tội vong nhân” của phong tục Á Đông. Theo tín ngưỡng dân gian, đây là ngày mở cửa ngục, ân xá cho những vong linh không nhà không cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân ở trên Dương thế để thờ cúng, và cũng là ngày mà mọi tù nhân ở địa ngục có cơ hội được xá tội, thoát sanh về cảnh giới an lành.
Vào “tháng cô hồn”, dân gian quan niệm là tháng không may mắn và có nhiều điều phải kiêng kỵ, Vì vậy, người xưa thường khuyến khích ăn chay và làm việc thiện vào tháng này.
Sự thích và ý nghĩa của ngày Lễ Vu Lan
Nguồn gốc của ngày lễ Vu Lan là bắt nguồn từ sự tích Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ của mình khỏi kiếp ngạ quỷ nơi địa ngục. Mẹ của Mục Kiền Liên tên là bà Thanh Đề theo đạo Bà La Môn, một người sống rất xa hoa, tham lam, độc ác và không tin vào Tam Bảo. Thường ngày, bà nấu rất nhiều thức ăn và làm vương vãi khắp nơi trên mặt đất. Còn cậu bé Mục Kiền Liên - con trai của bà có tính tình hiền lành, chịu khó, trái ngược hoàn toàn với mẹ cậu. Cậu bé luôn nhặt lại những hạt cơm của mẹ làm rơi xuống, rửa sạch đi rồi ăn lại chúng. Vì vậy, tất cả mọi người xung quanh và quen biết đều rất yêu mến, khen ngợi cậu hết lời. Sau khi bà Thanh Đề qua đời, Mục Kiền Liên đã xin xuất gia theo học Phật và trở thành đệ tử của Đức Phật. Khi có được phép thuật, Mục Kiền Liên liền dùng tuệ nhãn để tìm mẹ khắp nơi trong trời đất, cuối cùng cậu đã thấy mẹ nơi đại địa ngục.
Trông thấy mẹ tóc tai rối xù, thân hình chỉ còn da bọc xương, đói khát, úp mặt xuống đất không thể ngưỡng nổi đầu lên. Mục Kiền Liên đau xót vô cùng, ôm mẹ, bật khóc rồi dâng cho mẹ một bát cơm ăn cho đỡ đói. Thế nhưng, bà Thanh Đề vẫn còn quá tham lam, sân si, vì vậy khi đưa cơm đến miệng thì cơm đã hóa thành lửa đỏ, không thể ăn được. Mục Kiền Liên đã bất lực khi nhìn thấy cảnh này, cậu càng đau xót khi không thể cứu được mẹ mình và quay về tìm sự giúp đỡ của Đức Thế Tôn.
Đức Phật nói nếu muốn cứu mẹ thoát khỏi kiếp đọa đày, được sanh về cõi lành thì ngày 15 tháng 7 âm lịch tức là ngày Tự Tứ của chư Tăng, cậu hãy mời tất cả các nhà sư lại và sắm sửa làm lễ cúng dường Tam Bảo để lấy phước cứu mẹ. Từ đó, ngày rằm tháng bảy âm lịch hằng năm trở thành tri ân, báo hiếu trong Phật giáo.
Do vậy, ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan chính là ngày để tưởng nhớ công ơn của cha mẹ và tổ tiên nhiều đời, nhiều kiếp của mỗi con người chúng ta. Hay có thể hiểu đơn giản, Vu Lan chính là báo hiếu và không chỉ với cha mẹ ở kiếp này mà còn là đối với cha mẹ nhiều kiếp trước nữa. Đồng thời là dịp để bày tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn và đền đáp công ơn nuôi dạy của cha mẹ. Đây là truyền thống nhắc nhở mỗi con người “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Ý nghĩa của hình ảnh “Bông hồng cài trên ngực áo”
Trước đây, ngày lễ Vu Lan báo hiếu được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, tuy nhiên nhiều năm trở lại đây thì nó đã trở thành một đại lễ, được nhiều nơi tổ chức kéo dài suốt 30 ngày của tháng 7 âm lịch.
Nghi thức “bông hồng cài áo” chính là để tưởng nhớ những người mẹ đã tạ thế và đồng thời tôn vinh những người mẹ còn lại trên thế gian này. Trong nghi thức, các Phật Tử với hai giỏ hoa hồng bên người, một giỏ màu đỏ và một giỏ là màu trắng, sẽ được cài lên áo của những người đến chùa tham dự lễ. Như chúng ta đã biết, hoa hồng chính là biểu tượng cho sự cao quý và một tình yêu bất diệt. Theo như lời Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thì lúc đầu nghi thức này chỉ sử dụng hoa hồng màu đỏ, nhưng về sau một số nơi bắt đầu phân chia ra thành nhiều màu sắc hoa hồng khác nhau. Nếu người nào không còn cha mẹ thì cài hoa hồng màu trắng, người nào còn đầy đủ cha mẹ thì cài hoa hồng màu đỏ và người nào chỉ còn mỗi cha hoặc mẹ thì sẽ cài hoa hồng nhạt màu hơn.
Nên làm gì vào ngày lễ Vu Lan?
Tụng kinh niệm phật, thả cá phóng sanh: Vào những ngày này, tại các ngôi chùa trên khắp đất nước sẽ rất đông người đến dự lễ. Nhà chùa thường tổ chức các hoạt động như tụng kinh, thả phóng sinh, phát hoa cài áo trong dịp Vu Lan báo hiếu này. Bạn có thể tham gia những hoạt động này vừa mang ý nghĩa tốt đẹp, vừa mang lại sự bình yên, thanh thản cho bản thân và cầu phúc cho gia đình, cha mẹ.
Ăn chay để tích đức: Theo tín ngưỡng dân gian, ăn chay là một hoạt động mang hàm ý không sát sinh, đưa con người về chốn thanh tịnh, đúng với bản ngã của mình. Người ta cho rằng, không ăn thịt động vật sẽ khiến con người trở nên hiền lành hơn, không nóng giận, không cục cằn. Chính vì vậy, ăn chay là để tích đức. Nếu có thể, bạn hãy để dành ra một ngày để ăn chay và thành tâm cầu nguyện cho cha mẹ, những người thân trong gia đình mình, tích đức, tích phước cho con cái.
Quan tâm đến cha mẹ: Sự hỏi han, quan tâm đến cha mẹ, nhất là khi bạn đã trưởng thành trở nên vô cùng hiếm hoi, thậm chí là xa xỉ. Hãy dành một ngày Vu Lan trọn vẹn để ở bên những người thân yêu trong gia đình, quan tâm hơn đến sức khỏe, công việc hàng ngày của cha mẹ, để từ đó kéo gần hơn khoảng cách giữa các thế hệ, tăng thêm tình đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình.
Bài văn khấn ngày Lễ Vu Lan trong lúc thả phóng sanh
Chim, cá, tôm, cua…, đều là những loài vật nằm trong danh mục các loài được cho phép phóng sinh. Việc phóng sinh này tùy theo tín tâm và điều kiện của mỗi gia đình, không phải là hoạt động bắt buộc. Dưới đây, Phong Thủy Tam Nguyên sẽ gửi đến các bạn bài văn khấn trong lúc thả phóng sanh:
Chúng sanh nay có bấy nhiêu
Lắng tai nghe lấy những lời dạy răn
Các ngươi trước lòng trần tục lắm
Nên đời nay chìm đắm sông mê
Tối tăm chẳng biết làm lành
Gây bao tội ác, lạc vào trầm luân
Do vì đời trước ác tâm
Nên nay chịu quả khổ đau vô cùng
Mang, lông, mai, vẩy, đội sừng
Da trơn, nhám, láng, các loài súc sanh
Do vì ghen ghét, tham sân
Do vì lợi dưỡng hại người làm vui
Do vì gây oán chuốc thù
Do vì hại vật, hại sanh thoả lòng
Do vì chia cách, giam cầm
Do vì đâm thọc chịu bao khổ hình
Cầu xin Phật lực từ bi
Lại nhờ Phật tử mở lòng xót thương
Nay nhờ Tăng chúng hộ trì
Kết duyên Tam bảo thoát vòng khổ đau
Hoặc sanh lên các cõi trời
Hoặc liền thức tỉnh về nơi cõi lành
Hoặc sanh lên được làm người
Biết phân thiện ác, tránh điều lầm mê…..
Chúng sanh Quy y Phật
Chúng sanh Quy y Pháp
Chúng sanh Quy y Tăng….
Úm, ngâm ngâm ngâm (3 lần)