Nam Hải dị nhân - Lý Thường Kiệt
Trong năm Thái Ninh, nước Chiêm Thành đến quấy nhiễu xứ Nghệ An, vua sai Thường Kiệt cầm quân đi đánh, Thường Kiệt đánh đuổi về mãi nước Chiêm, lấy được châu Bố Chính, châu Địa Lỵ và châu Ma Linh, mới sai vẽ địa đồ ba châu ấy, đổi châu Địa Lỵ làm phủ Tân Bình, châu Ma Linh làm châu Minh Linh (tức là tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị bây giờ), chiêu mộ dân nghèo cho sang ở đấy khai khẩn.
Hình: Tượng Lý Thường Kiệt trong Đại Nam Quốc Tự
Đến năm Thái Ninh thứ tư, vua Thần Tôn nhà Tống sau Thẩm Khởi, Lưu Lộng ra coi Quí Châu, có ý muốn dòm nom nước Nam. Vua Nhân Tôn sai Thường Kiệt đem quân đi cự quân Tống, Thường Kiệt đánh tràn sang nước Tàu, hạ được châu Khâm, châu Liêm, và vây hãm châu Ung, giết hại quân nhà Tống hơn 10 vạn người.
Năm sau, vua Tống sai Quách Quì làm Chiêu thảo sứ, đem 9 tướng chia đường đi sang hội với nước Chiêm Thành, nước Chân Lạp, để quấy nhiễu nước Nam. Vua lại sai Thường Kiệt đi đánh, đánh trận nào được trận ấy, quân nhà Tống chết hơn nghìn người, phải bỏ mà về.
Khi ấy, Lý Giác khởi loạn ở xứ Nghệ. Giác có yêu thuật, làm cho cỏ cây biến thành binh mã, quan quân đánh mãi không phá được. Thường Kiệt bấy giờ đã ngoài 70 tuổi, tình nguyện xin đi đánh, thì mới dẹp tan được đám ấy. Nhân có những công to ấy, được tiến tước phong làm đại vương. Về sau mất được phong làm thượng đẳng phúc thần.
Trích: Nam Hải dị nhân liệt truyện - Phan Kế Bính)