Khám Phá Bí Ẩn Của Các Mệnh Hoả Trong Ngũ Hành Chi Tiết
Hành hỏa trong phong thủy gồm có 6 nạp âm. Các hành hỏa trong phong thủy này lần lượt là Lư Trung Hỏa, Sơn Đầu Hỏa, Tích Lịch Hỏa, Sơn Hạ Hỏa, Phú Đăng Hỏa và Thiên Thượng Hỏa. Mỗi hành hỏa mang trong mình ý nghĩa khác nhau. Vậy ý nghĩa của nó là gì? Hãy cùng Phong Thủy Tam Nguyên khám phá ngay.
1. Lư Trung Hỏa (炉中火 – Lửa trong lò) là hành hỏa bản mệnh của Bính Dần (1926 - 1986) và Đinh Mão (1927 - 1987)
- Bính Dần, Đinh Mão: Dần là Tam dương, Mão là Tứ dương, Hỏa được đất lại có Dần Mão Mộc trợ lực, trời đất lúc ấy như lò lửa và vạn vật nảy sinh, nên gọi bằng Lư Trung Hỏa.
- Lửa, có thể thiêu cháy tất cả, hủy diệt tất cả thành tro bụi. Nhưng lửa, cũng chính là nguyên tố để tạo dựng và cải tạo vạn vật. Ví như tổng hợp nhựa từ phản ứng nhiệt, hoặc làm đồ trang sức phải dùng lửa, chế tạo kim loại cũng dùng lửa…Chính vì vậy, Lư Trung Hỏa có ý nghĩa là sự tạo dựng.
- Bính Dần – Đinh Mão, khí thế phát huy nhờ chất đốt mà hiển minh, âm dương còn lẫn, thiên địa chung một lò lửa. Lửa dung hóa tất cả từ âm dương đến sáng tối cả trời lẫn đất nói chung là vạn vật trong vũ trụ. Dùng Hỏa để cải tạo vạn vật.Vậy nên có câu: “Lư Trung Hỏa giả, thiên địa vi lô, âm dương vi thán, quang huy ưu vũ trụ, đào dã ưu càn khôn” (Lửa trong lò vũ trụ, trời đất, âm dương, càn khôn đều được đào luyện). Lư trung Hỏa có tượng thiên địa là lò, âm dương là than, ánh sáng chiếu sáng vũ trụ, được hun đúc trong Càn Khôn.
- Bính Dần – Đinh Mão, hai hàng chi đều thuộc Mộc, Mộc sinh Hỏa trước nhược gặp hung vận thiếu trầm tĩnh giải quyết công việc. Bên cạnh việc xem tính cách qua hành mệnh, các bạn cũng có thể xem tướng cằm, tướng mắt mũi của Bính Dần và Đinh Mão để hiểu về tính cách họ hơn.
- Vậy Lư Trung Hỏa cần Mộc trợ lực, nếu không có Nạp Âm Mộc sẽ trở thành Hỏa Tự Bại (tàn lụi). Chính vì thế, hành Mộc là yếu tố cần đầu tiên cho người Lư Trung Hỏa. Bên cạnh hành Mộc, hỏa Viêm nếu thiếu hành Thủy tất đoản thọ. Vậy muốn trường tồn phải xen lẫn Yếu Tố Hành Thủy. Hỏa của Lư Trung Hỏa ưa gặp kim để tạo nên vật chất.
- Người Lư Trung Hỏa có mệnh lớn, tâm tưởng bao la, lúc đắc thế khả dĩ hiển hiện tài hoa danh tiếng với đời. Lư Trung Hỏa mang một khuyết điểm nếu mệnh kèm theo những hung sát tinh hãm dễ thành kiêu căng ngạo mạn, dễ bị nghe theo lời nịnh hót mà thất bại.
- Sau sự tạo dựng, Lư Trung Hỏa còn mang ý nghĩa về tinh thần, sự sáng tạo, nhiệt huyết và tâm tưởng bao la. Tránh gặp tính kiêu ngạo.
- Với điều kiện cần thiết, hành Mộc buộc phải có. Mộc là cây, màu sắc gồm: màu xanh lá cây, màu xanh lục, xanh lá chuối, màu nâu của gỗ, màu tím, màu cam. Hình dáng của hành Mộc là hình chữ nhật, nên khi ứng dụng phong thủy có thể chọn kiểu dáng hình chữ nhật hoặc ghép lại từ những hình chữ nhật.
- Bên cạnh đó, có thể pha lẫn yếu tố hành kim và hành thủy. Kim là màu vàng, màu bạc, màu trắng, hình dạng tròn. Hành Thủy là màu xanh dương, màu đen, hình dạng lượn sóng, gấp khúc. Tuy nhiên, Mộc vẫn là yếu tố quan trọng hơn đối với Lư Trung Hỏa.
Lư Trung Hỏa
2. Giáp Tuất (1934 - 1994) và Ất Hợi (1935 - 1995) thuộc hành Sơn Đầu Hỏa (山头火– Lửa đầu) - Các mệnh hoả trong ngũ hành
- Giáp Tuất, Ất Hợi thì Tuất Hợi là cửa trời, hỏa chiếu thiên môn, quang huy cực cao.
- Lửa trên núi có thể hiểu theo nghĩa là lửa trên đỉnh núi chiếu đến tận trời cao, mà cũng có thể hiểu rằng: nắng buổi chiều, khi Mặt Trời về nghỉ trên núi, tỏa sáng một vùng, lửa trên núi phản ánh lại lửa của trời.
- Sơn đầu Hỏa thiêu cháy đồng cỏ hoang, lờ mờ ánh tà dương cuối chân trời phảng phất ánh mặt trời xuống núi. Là Hỏa trong đám cỏ khô sắp tàn trong tháng 9 khai hoang.
- Sơn Đầu Hỏa chỉ thấy sáng rực mà không thấy lửa nên tâm cơ thâm trầm, ít ai hiểu, vui giận không lộ ra sắc diện, tài trí cao mà không cho người thấy được. Thành công tấn tới như đám cháy rừng khi gặp vận.
- Người Sơn Đầu Hỏa lúc gặp thời thâm trầm làm việc không biết mệt. Gặp thời rồi cũng không lãng phí thời gian. Mệnh tốt danh vọng sự nghiệp hơn người. Mệnh xấu cũng đắc lực nhanh nhẹn để phục vụ thừa hành.
- Sơn đầu hỏa thông với trời nên người mang mệnh này có thể gặp được thành công rực rỡ, nhưng cần có thêm gỗ (Mộc), vì chỉ có lửa không khó có thể chiếu sáng được đến trời.
- Là Hỏa sắp tắt, ưa nhất Mộc tương sinh như Mậu Tuất Bình địa Mộc, Tân Mão Tùng bách Mộc, Mậu Thìn Đại lâm Mộc; Nhâm Ngọ, Quý Mùi Dương liễu Mộc, tất chủ vượng tướng. Còn thêm Quý Sửu Tang đố Mộc, là hiển quý nhất. Không có núi thì Mộc không có chỗ dựa, Hỏa không gặp, không thể hiển quý, có Mộc khác cũng vô dụng.
- Giáp Tuất, Tuất là Thổ được Hỏa sinh. Ất Hợi, Hợi là Thủy bị Hỏa khắc. Giáp Tuất ứng phó với hung vận biến động linh động hơn Ất Hợi.
3. Tích Lịch Hỏa (霹雳火– Lửa sấm sét) là hành bản mệnh của Mậu Tý (1948 - 2008) và Kỷ Sửu (1949 - 2009)
- Sửu thuộc Thổ, Tý thuộc Thủy. Thủy ở chính vị mà nạp âm lại là Hỏa, nếu không phải do Thần Long tất nhiên Thủy không biến ra Hỏa được, cho nên gọi bằng Tích Lịch Hỏa như tia lửa từ sấm chớp tức Thủy trung chi Hỏa.
- Tích Lịch Hỏa lẫm liệt như tiếng sấm vang, nhanh tựa tia điện. Tích lịch Hỏa là 1 tia sáng trên trời, có hình chớp điện ngoằn ngoèo, mạnh mẽ giống như tiếng vó ngựa ầm vang. Hỏa này cần có lôi hỏa phong trợ giúp mới có thể biến hóa.
- Người Tích Lịch Hỏa mệnh nhiều sao tốt sự nghiệp cơ nghiệp thành công hơn người, thích làm việc to tát, càng loạn lạc càng xáo trộn khả năng càng phát triển.
- Người Tích Lịch Hỏa mà mệnh cung tầm thường chuộng hư danh thích nổi trôi dễ bị xúi giục làm những việc xuẩn ngốc thiếu suy nghĩ.
- Người Tích Lịch Hỏa ưa vào cờ bạc thường bị bịp làm những chuyện bất ngờ, tâm ý nhiệt thành không giảo quyệt, luôn luôn ngăn nắp và kỷ luật.
Tích Lịch Hỏa
4. Bính Thân (1956 - 2016) và Đinh Dậu (1957 - 2017) thuộc hành Sơn Hạ Hỏa (山下火– Lửa ở dưới núi) - Một trong các hành hỏa trong phong thủy
- Bính Thân, Đinh Dậu, Thân là cửa của đất. Dậu là cổng của mặt trời lặn. Khí của Hoả nghỉ ngơi và ẩn tàng, thế của Hoả cũng suy yếu, khí tắt hình tàng như mặt trời lặn phía tây, sức đã yếu nhược, càng tối càng hiu hắt vàng vọt. Hơn nữa, giờ Thân và Dậu, mặt trời đã lặn xuống núi, ánh dương quang đến chỗ này thì ẩn tàng nên gọi bằng Sơn Hạ Hỏa.
- Bính Thân – Đinh Dậu, Người Sơn Hạ Hỏa thường dễ có tâm chất hẹp hòi, tự tư tư lợi, mưu lược không đủ, nhưng vẻ ngoài lại vênh vang, lúc nào cũng lý luận.
- Nạp âm Sơn Hạ Hỏa dù số xấu hay tốt cũng nên cẩn thận khi dùng họ làm tâm phúc hoặc người cộng tác giúp việc vì ít khi họ là người cộng sự chân thành. Thân Dậu hành Kim đều bị Hỏa khắc nên thường rối ren trước biến động hay hung vận.
Sơn Hạ Hỏa
5. Phú Đăng Hỏa (幅 燈火 – Lửa đèn dầu) là hành bản mệnh của Giáp Thìn (1964 - 2024) và Ất Tỵ (1965 - 2025)
- Giáp Thìn, Ất Tỵ, Tỵ là độ gốc lúc mặt trời lên đến đỉnh và sắp lẫn về Tây. Ánh chiều tà còn tung ra chiếu sáng vạn vật. Đồng thời cũng là lúc thiên hạ sửa soạn lên đèn. Phú Đăng Hỏa là ánh lửa ban đêm khả dĩ chiếu sáng những nơi mà mặt trời mặt trăng không chiếu tới được, gọi khác đi bằng “Dạ minh chi hỏa”.
- Thìn là thực thời (giờ ăn), Tỵ là ở trong khu vực, trong tướng của nhật, Dương rực rỡ, thế sáng sủa, phong quang ở thiên hạ, vì vậy đặt là Phú đăng Hỏa (lửa đèn dầu).
- Giữa ban ngày, ánh lửa đèn không thể thi triển quang huy. Bởi vậy, người mang nạp âm Phú Đăng Hỏa hay “dạ minh chi hỏa” thường thích bóng tối không thích xuất đầu lộ diện, nhưng lại rất tài hoa, lúc cần đến thật được việc. Lúc bình thường, lúc chưa đắc thế sống âm thầm ẩn nặc. Khi gặp thời cơ như ánh đèn soi vào bóng tối.
- Giáp Thìn thì Thìn thuộc Thổ, Hỏa sinh Thổ tính chất cương mãnh hơn, trong khi Ất Tỵ thì Tỵ là Hỏa đồng tính với Hỏa, sức mạnh không bằng Giáp Thìn. Sức mạnh ở đây nói về khí chất tinh thần để ứng phó với hung vận
Phú Đăng Hỏa
6. Mậu Ngọ (1978 - 2038) và Kỷ Mùi (1978 - 2038) thuộc Thiên Thượng Hỏa (天上火– Lửa trên trời) - Các mệnh hoả trong ngũ hành
- Mậu Ngọ Kỷ Mùi, Ngọ là nơi Hỏa Vượng, Mộc ở trong chi Mùi lại sinh Hỏa. Hỏa khi bung lên gặp đất sinh nên gọi bằng “Thiên Thượng Hỏa”.
- Thiên Thượng Hỏa là lửa trên trời. Mậu Ngọ là mặt trời, Kỷ Mùi là mặt trăng sưởi ấm sông núi, chiếu sáng vũ trụ chan hòa mọi chỗ không thiên vị. Bởi vậy Thiên Thượng Hỏa rất công bình, chính trực, hào sảng.
- Số nạp âm Thiên Thượng Hỏa mà có nhiều cát tinh tại mệnh đứng ngôi chủ vào thời bình, bàn dân thiên hạ được nhờ. Nhưng Thiên Thượng Hỏa mà tuổi Kỷ Mùi là mặt trăng tính chất nhu hòa, lắm khi lại lạnh nhạt và vô tình đứng ngôi chủ, các cận thần phải coi chừng, đặc biệt nếu mệnh cung mang những sao thủ đoạn mưu chước. Thiên Thượng Hỏa dù Mậu Ngọ hay Kỷ Mùi thẩy đều ưa danh vị tiếng tăm.
- Theo lý thuyết phong thủy, Ngọ trong bát quái thuộc cung Ly, chính Nam, là nơi hỏa phát mạnh nhất. Cung Mùi là nơi thái cực Dương bắt đầu giảm. Cái nóng từ Ngọ cung làm cho Cung Mùi trở nơi khô cằn, nóng bức. Có thể nhận thấy tháng Mùi (tháng 6) trong năm luôn là tháng nóng nhất, nhưng tại nơi đây Thổ bị khô cằn, không có chất Thủy, Mộc cũng không thể sinh trưởng, chỉ còn hóa khí từ Hỏa – đây là phần tiêu cực. Nên Người sinh năm Kỷ Mùi muốn phát triển sự nghiệp, bản mệnh phải đi ngược lại một bước để tiến đến thái cực Dương, để phát huy Thiên Thượng Hỏa một cách tối đa.
- Mệnh Thiên Thượng Hỏa không cần Mộc Tương sinh, cũng chẳng cần Thổ hay Kim. Mà chỉ là chính bản chất của nó.
7. Hành nào mạnh nhất trong các mệnh hoả trong ngũ hành?
Trong 6 hành hỏa thì Thiên Thượng Hỏa lại cần Thủy để bộc phát, lấy cái khắc để phát, đi ngược lại so với quy luật thủy khắc hỏa. Có thể giải thích thế này, Ví như mặt trời nóng bức làm cho đất khô cằn, nhưng nếu chiếu xuống đại dương (thuộc Thủy) thì lại phản chiếu ánh sáng. Ví dụ 2, ánh nắng chiếu qua lớp nước sẽ tán sắc ánh sáng thành hiện tượng cầu vòng.
Thủy – có thể phản chiếu, làm cho Thiên Thượng Hỏa là chính nó, làm cho Thiên Thượng Hỏa có thể bộc phát ra cái tốt đẹp nhất. Do đó, Mệnh Thiên Thượng Hỏa muốn phát phải lấy cái khắc mà làm nền tảng, phát trong thế tương khắc. Vậy ta sử dụng hành thủy. Màu sắc hành thủy bao gồm màu đen, màu xanh dương, màu xanh da trời, kiểu uốn lượn, lượn sóng, gấp khúc, ziczac.
Ba loại Phú Đăng Hỏa (lửa đèn dầu), Lư Trung Hỏa (lửa trong lò) và Sơn Đầu Hỏa (lửa đầu/đỉnh núi) gặp hành Thủy sẽ khắc kỵ. Khi gặp nước, ba thứ lửa trên sẽ bị dập tắt, đúng nghĩa Thủy khắc Hỏa, thuộc diện khắc nhập mất phần phúc.
Còn Thiên Thượng Hỏa (lửa trên trời) và Tích Lịch Hỏa (lửa sấm sét) lại cần phối hợp với hành Thủy, bởi có nước thì càng phát huy được tính chất, khí âm (thủy) gặp khí dương (hỏa) sẽ gây ra sấm sét.
Trên đây là lý giải cho ý nghĩa của các hành hỏa trong phong thủy của Tam Nguyên. Hy vọng rằng qua bài viết này các bạn đã hiểu hơn về hành hỏa bản mệnh của mình cũng như hiểu về số mệnh mình trong tương lai.