Lễ trưởng thành ở Việt Nam & các nghi lễ trong vòng đời người

(0)
Cẩm nang kiến thức phong thủy trực tuyến

Nghi lễ trưởng thành ở Việt Nam là buổi lễ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với mỗi người Việt. Bên cạnh lễ trưởng thành, chu kỳ sống của một người Việt Nam cũng có rất nhiều buổi nghi lễ khác. Vậy những nghi lễ chủ yếu trong chu kì đời người của Việt Nam là những nghi thức nào? Tìm hiểu qua bài viết sau của Phong thủy Tam Nguyên để có câu trả lời nhanh chóng.

>>>> XEM THÊM: A - Z kiến thức phong thủy cơ bản đến chi tiết bạn nên biết

1. Nghi lễ trưởng thành ở Việt Nam là gì?

Trong các nghi lễ của chu kỳ đời người thì nghi lễ trưởng thành (hay lễ thành nhân, lễ thành đinh, lễ cấp sắc) thường được tiến hành khi con người trưởng thành về mặt giới tính. Nghi lễ này cũng được xem là cột mốc rất quan trọng đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời từ khi "con non dại" để trở thành "người lớn". Tuy nhiên, không có độ tuổi qui định thống nhất để tiến hành nghi lễ trưởng thành bởi còn phụ thuộc vào lịch sử, nền văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc.

lễ trưởng thành ở Việt Nam

Lễ trưởng thành của người Việt

2. Nghi lễ trưởng thành tại các dân tộc ở Việt Nam

Có thể nói, nghi lễ trưởng thành ở Việt Nam dường như ít được chú ý nên không quá nổi bật trong các nghi lễ vòng đời người ở nhiều dân tộc hiện nay. Mặc dù là dân tộc đa số, song nghĩ lễ trưởng thành ở người Kinh (được ghi lại qua sử liệu) thường được tiến hành khá đơn giản khi gia đình có con trai đến tuổi trưởng thành (18 tuổi), chẳng hạn: làm một lễ nhỏ như "biện cơi trầu" trình làng là được.

Trong khi đó, đối với một số dân tộc thiểu số như: dân tộc Dao, dân tộc Ê Đê... quan niệm nghi lễ này có ý nghĩa đặc biệt nên cách thức tiến hành rất đa dạng, phong phú tùy theo mỗi dân tộc, mỗi vùng với thời điểm, địa điểm khác nhau.

  • Với dân tộc Ê Đê, nghi lễ trưởng thành lại mang tính chất cộng đồng cao bởi đây là nghi thức công nhận nam giới (thường từ 15 - 16 tuổi) trở thành thành viên chính thức của cộng đồng, có quyền lợi, nghĩa vụ của người trưởng thành và quyền được kết hôn.
  • Trường hợp của dân tộc Dao, chỉ những người đã trải qua nghi lễ trưởng thành (còn gọi là lễ cấp sắc) mới được cộng đồng coi là người trưởng thành và sau đó mới được phép tiến hành những công việc liên quan đến phong tục tập quán Dao. Hơn nữa, chỉ khi được cấp sắc, người đàn ông mới có một vị thế nhất định trong gia đình, dòng họ và cộng đồng. Điểm đặc biệt của nghi lễ trưởng thành của dân tộc Dao đó là không qui định độ tuổi cụ thể, bởi lẽ để tiến hành được nghi lễ này phải chuẩn bị khá tốn kém về vật chất (lễ vật tế lễ, phục vụ ăn uống trong những ngày làm lễ). Do đó, nghi lễ trưởng thành có thể tiến hành bất kỳ ở độ tuổi nào miễn là người đó đáp ứng đầy đủ điều kiện vật chất, tinh thần của một lễ cấp sắc. Cũng bởi vậy, với những người chưa được làm lễ cấp sắc (dù đã nhiều tuổi) vẫn bị cộng đồng coi là chưa trưởng thành nên không có vị thế trong xã hội Dao.

>>>> TÌM HIỂU THÊM: Những yếu tố trong cách bố trí phong thủy ảnh hưởng xấu đến sức khỏe

3. Nghi lễ trưởng thành ở Việt Nam hiện nay

Ở Việt Nam, nghi lễ này vẫn được duy trì ở những dân tộc thiểu số nhưng đã có sự biến đổi nhất định. Những biến đổi này chỉ tập trung vào các chi tiết có tính hình thức nhằm phù hợp với điều kiện môi trường kinh tế - xã hội đang thay đổi song nội dung và bản chất của nghi lễ vẫn được duy trì. Trong thời đại ngày nay, nghi lễ trưởng thành trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam có cơ hội lựa chọn trong việc thay đổi các thành tố, loại bỏ hay tiếp tục duy trì. Nhìn chung, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống được nâng cao khiến cho nghi lễ trưởng thành có thêm điều kiện duy trì theo hướng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Theo đó, nghi lễ trưởng thành không chỉ được giới thiệu rộng rãi trong công chúng mà còn được tổ chức, tiến hành như ngày hội của người dân. Thời gian gần đây, nghi lễ trưởng thành diễn biến theo hướng tự phát, thường là do các trường tự tổ chức cho học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học vào dịp cuối năm với sự tham gia của bạn bè, thầy cô và phụ huynh. Trang phục trong lễ trưởng thành thường là đồng phục hoặc áo, mũ tốt nghiệp. Đây là dịp để các học sinh chia sẻ suy nghĩ, dự định tương lai, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn tới thầy cô và cha mẹ khi bước vào tuổi trưởng thành.

Nghi lễ trưởng thành ở Việt Nam

Nghi lễ trưởng thành ở Việt Nam hiện nay

4. Một số nghi lễ quan trọng trong vòng đời người Việt

4.1 Nghi lễ đầy tháng

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, bởi vậy, những nghi lễ liên quan tới trẻ em sau sinh có sự khác biệt về số lần tiến hành theo phong tục của mỗi dân tộc. Chẳng hạn như lễ 3 ngày sau sinh, 3 tháng 10 ngày sau sinh, lễ đặt tên gọi hồn... Tuy nhiên, nghi lễ không thể thiếu được đối với trẻ em sau sinh đó là lễ đầy tháng và lễ đầy năm. Giống như lễ trưởng thành ở Việt Nam, đây cũng là một buổi lễ cực kỳ quan trọng đối với mỗi đứa trẻ Việt.

Lễ đầy tháng hay còn gọi là cúng đầy tháng là thời điểm theo quan niệm truyền thống của Việt Nam, đứa trẻ vừa được tròn một tháng sau sinh. Sự kiện này bao hàm nhiều ý nghĩa như: kết thúc giai đoạn khó khăn nhất không chỉ đối với người con mà còn với cả bà mẹ thời hậu sản (phải kiêng khem ở cữ); Đứa trẻ đã qua thời trứng nước tức tính được phần lớn những rủi ro trong năm đầu tiên của cuộc đời; Thông báo cho Tổ tiên về việc ra đời và đầy tháng tuổi của một thành viên mới trong gia đình. Song, bao trùm lên hết thảy, nghi lễ đầy tháng chính là chứng nhận của xã hội về sự hiện hữu của một con người - một thành viên mới trong gia đình và xã hội để qua đó khẳng định vai trò, trách nhiệm của gia đình, xã hội đối với thành viên mới, thế hệ tương lai.

Việc tổ chức, trình tự tiến hành trong lễ đầy tháng của người Việt Nam rất đa dạng bởi còn phụ thuộc vào quy định theo phong tục tập quán của từng dân tộc. Điều này thể hiện ở lễ vật dâng cúng, người chủ trì hoặc thực hành nghi lễ, thời gian, cách thức từ khi bắt đầu đến kết thúc nghi lễ... Tuy nhiên, điểm chung của nghi lễ đầy tháng thường được tổ chức không bó hẹp trog phạm vi gia đình mà còn có sự tham gia của dòng họ, bạn bè, láng giềng thân cận, khách mời. Nội dung của những lời khấn nguyện (khi tiến hành nghi lễ) không gì khác hơn là mong muốn sự phù trợ từ các đấng bề trên (tổ tiên, bà Mụ, Đức ông, ma nhà...) cho đứa trẻ luôn khỏe mạnh, mau lớn, hiền ngoan... Tiếp sau là lời chúc mừng và tặng quà (hoặc tiền lì xì) của những người tham gia cho đứa trẻ và gia đình.

4.2 Lễ đầy năm

Đối với người Việt Nam, nghi lễ đầy năm của đứa trẻ rất quan trọng được xem như mở đầu cả đời người, do đó, lễ đầy năm (còn gọi là cúng đầy năm, lễ thôi nôi, cúng thôi nôi, đám thôi nôi) nhiều khi được tổ chức lớn hơn cả lễ đầy tháng. Là nhân vật chính của ngày này, cho nên đứa trẻ được tắm sạch sẽ, mặc quần áo đẹp. Không chỉ vậy, ngoài việc cúng lễ cầu mong cho đứa trẻ hay ăn mau lớn, luôn khỏe mạnh, trước kia còn có nghi thức thử tài "chọn nghề tương lai" của trẻ. Nếu là bé trai thì bày các vật dụng như bút, giấy, tiền, cưa, búa, đục... với bé gái là kim chỉ, gương lược, dao kéo, rổ rá... Theo quan niệm dân gian, vật nào được trẻ chọn trước (cầm trước) thì đó chính là sự chọn lựa nghề nghiệp tương lai cho mình. Sau nghi thức này, mọi người cùng chúc phúc, tặng quà cho trẻ và qua đó kết thúc nghi lễ đánh dấu một sự kiện lớn trong đời con người.

4.3 Nghi lễ hôn nhân

Sau khi hoàn thành lễ trưởng thành ở Việt Nam, mỗi người Việt sẽ đến buổi lễ hôn nhân quan trọng của mình. Từ xưa đến nay vẫn vậy, việc "trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng" mãi là chuyện muôn thuở bởi đó là qui luật của cuộc sống. Hơn nữa, qua các nghi thức của hôn nhân không chỉ ghi dấu mốc son mà còn là ngày đại lễ hội của một đời người. Tuy nhiên, xung quanh nghi lễ hôn nhân cho thấy một bức tranh vô cùng đa dạng, phong phú về "sắc mầu" bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quốc gia, dân tộc, văn hóa, tôn giáo, xứ sở v.v...

Chính bởi lẽ đó, nghi lễ hôn nhân của Việt Nam cũng không là ngoại lệ nhưng không thể phủ nhận rằng hôn nhân vẫn là việc hệ trọng trong chu kỳ đời người cho dù có sự biến đổi ít nhiều trước sự tác động của yếu tố thời đại đi chăng nữa. Có thể thấy rằng tại Việt Nam, nghi lễ hôn nhân thường trải qua các bước như dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ đón dâu và hôn lễ, song ở mỗi nghi thức lại tiến hành khác nhau bởi do phong tục tập quán của mỗi dân tộc, địa phương qui định.

Tuy nhiên, hôn lễ là một trong những nghi thức của hôn nhân để gia đình, dòng họ, cộng đồng thừa nhận sự kết hôn của đôi trai gái. Do đó, hôn lễ của mỗi dân tộc ở Việt Nam vừa có những yếu tố đặc trưng tộc người vừa mang những nét tương đồng với hôn lễ của các dân tộc anh em. Tính tương đồng thể hiện ở chỗ; Thứ nhất, nghi lễ hôn nhân nào cũng phải chọn ngày lành tháng tốt để đôi lứa kết duyên trăm năm bền vững, đồng thời kiêng tránh những điều xấu, gở, ảnh hưởng tới việc đại sự; Thứ hai, hôn lễ là hiện tượng xã hội phản ánh sự quan tâm, thừa nhận của các bậc sinh thành và của cộng đồng đối với việc kết hôn của đôi trai gái, bởi lẽ đây là sự kiện trọng đại của đời người.

nghi lễ vòng đời người việt

Lễ hôn nhân

3.4 Nghi lễ tang ma

Với bất kỳ ai, cái chết là điều không tránh khỏi nhưng ở mỗi quốc gia, dân tộc, quan niệm và cách thức tiến hành nghi lễ tang ma đều có sự khác biệt. Thật vậy, qua nghi thức tang ma của các dân tộc ở Việt Nam là minh chứng rõ nhất cho điều này. Điểm chung ở đây là quê hương luôn gắn bó mật thiết với cuộc đời của mỗi người, từng được coi là nơi "chôn nhau cắt rốn". Từ khi sinh ra, lớn lên tham gia các hoạt động của xã hội, gia đình, tộc họ, xóm giềng, lễ hội, cưới xin... song cùng với vòng quay của cuộc sống, người ta lần lượt đưa tiễn nhau về nơi chín suối. Theo quan niệm của người Việt Nam, “nghĩa tử là nghĩa tận” nên điều đó rất được chú trọng trong ứng xử cũng như nghi thức tiến hành tang lễ. Niềm thương tiếc và nỗi nhớ của mọi người, nhất là người thân đối với người đã khuất được thể hiện qua việc tổ chức tang lễ và thờ cúng theo qui định của luật pháp và phong tục tập quán của từng dân tộc.

Chính vì vậy, trình tự của các nghi lễ tang ma (từ khi phát tang đến khi mai táng kết thúc) đều phải tuân thủ những qui định tại nơi người chết sẽ ra đi vĩnh viễn. Và, trước khi có những thay đổi bởi yếu tố thời đại, hình thức mai táng của người Việt Nam hầu hết là thổ táng. Hơn nữa, song hành với hình thức mai táng này thì tục kiêng kỵ trong và sau tang lễ cũng rất đa dạng tùy thuộc vào văn hóa, tập quán của mỗi dân tộc, vùng miền. Tuy nhiên, mục đích lớn nhất của những kiêng kỵ không gì khác hơn là nhằm tránh được những "điềm xấu, gở", thậm chí cả tai họa có thể đến với gia đình, người thân, con cháu về sau. Đây cũng là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao người ta rất "lo ngại" nếu thực hiện sai, thiếu hoặc nhầm lẫn không đúng như trình tự của nghi lễ tang ma. Người ta quan niệm rằng các "sự cố" này cùng với tục kiêng kỵ nếu không thực hiện nghiêm cẩn, chẳng những bị cộng đồng chê bai mà còn gặp những điều không may trong cuộc sống. Điểm nổi bật nhất trong nghi lễ tang ma của Việt Nam biểu hiện ở tính cộng đồng mà ý nghĩa thực chất chính là mọi người chia sẻ sự mất mát tới thân nhân của người đã khuất. Qua đó, mong muốn người đã khuất được siêu thoát, đồng thời phù hộ cho những người đang sống sự bình yên và may mắn.

5. Sự biến đổi của các nghi lễ

Những nghi lễ chủ yếu trong chu kỳ đời người của Việt Nam có thể được coi là một phần không thể tách rời nền văn hóa của quốc gia, dân tộc. Song, trải qua quá trình lịch sử, những nghi lễ này cũng không phải bất biến mà luôn biến đổi cho phù hợp với nhân tố thời đại.

Lễ đầy tháng, lễ đầy năm (lễ thôi nôi) là những nghi lễ đã có từ rất lâu được lưu truyền qua nhiều thế hệ và là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay đã có sự biến đổi theo thời đại. Sự biến đổi thường "diễn biến" theo hai hướng:

  • Thứ nhất, đơn giản hóa các lễ vật dâng cúng bởi để biện lễ đầy đủ cũng khá cầu kỳ và nghi thức tiến hành;
  • Thứ hai, thêm những đồ vật mới trong thành phần đồ lễ cúng kèm theo hình thức mới. Nhìn chung, thời đại mới gắn quá trình hội nhập, phát triển đã tác động mạnh mẽ tới các nghi lễ này khiến cho có thể làm mai một hoặc biến dạng theo cơ chế thị trường.

Trong nghi lễ hôn nhân của Việt nam cho thấy, phần lớn đều biến đổi theo hướng phù hợp với cuộc sống hiện nay, những yếu tố như một số kiêng kỵ, tảo hôn, tổ chức hôn lễ rườm rà đều được khắc phục dần.

Khi xem xét các yếu tố biến đổi trong nghi lễ tang ma của Việt Nam có thể nhận thấy dường như chỉ biến đổi về các thành tố liên quan tới sự phát triển kinh tế - xã hội còn bản chất vẫn được duy trì một cách bền vững. Bên cạnh đó, hình thức mai táng cũng biến đổi với sự xuất hiện của hỏa táng trong những năm gần đây. Song các yếu tố biến đổi khác đều diễn ra theo chiều hướng đơn giản hóa phù hợp với cuộc sống xã hội hiện đại. Một trong những nguyên nhân quan trọng của những biến đổi này là do nhận thức của người dân được nâng cao cùng với quá trình giao lưu, đặc biệt là sự tác động của các chính sách, vận động xây dựng nếp sống văn minh của Nhà nước.

Trên đây là những thông tin về buổi lễ trưởng thành ở Việt Nam cũng như các buổi lễ quan trọng trong mỗi đời người của Việt Nam. Hy vọng rằng qua bài viết này, các bạn đã hiểu hơn về những buổi lễ quan trọng trong truyền thống văn hóa Việt Nam.

>>>> NỘI DUNG LIÊN QUAN:

  • Tổng thư ký Hiệp hội dịch học Thế giới phân hội Việt Nam

  • Viện phó thường trực Viện nghiên cứu & Phát triển Văn hóa Phương Đông

  • Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc Phong thủy Tam Nguyên.

Đặt Lịch Tư Vấn

Quý khách để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất trong vòng 24h
1900.2292
1900.2292 Facebook Page Facebook Messenger Zalo Chat Chat trực tiếp

Hỗ trợ