11 Phong Cách Thiết Kế Nội Thất Được Ưa Chuộng Nhất Hiện Nay
Khi sở hữu cho mình một căn nhà, điều mà bất cứ gia chủ nào cũng quan tâm ngoài việc thiết kế tổng thể căn nhà sao cho hài hòa, hợp lý còn là việc lựa chọn trang trí nội thất bên trong để giúp căn nhà hoàn hảo và có linh hồn hơn. Hôm nay, Phong thủy Tam Nguyên sẽ giới thiệu đến bạn 12 phong cách thiết kế nội thất đang được ưa chuộng nhất hiện nay, để từ đó giúp bạn dễ dàng lựa chọn được phong cách phù hợp nhất với cá tính và gu thẩm mỹ, cũng như mức độ tài chính của mình trong quá trình hoàn thiện căn nhà mơ ước của bạn...
1. Phong cách thiết kế tối giản hiện đại (Minimalism)
Đây là một trong những phong cách được ưa chuộng nhất, bởi sự giản dị và tinh tế đến qua từng chi tiết của chúng. Ở minimalism, các chi tiết phụ đều được tiết chế, chỉ giữ lại những nội thất chủ chốt và tích hợp nhiều công năng vào một món nội thất. Điều này giúp căn phòng vừa đầy đủ tiện nghi nhưng lại tiết kiệm được tối đa không gian cho căn hộ.
Phong cách thiết kế này phù hợp với những bạn trẻ giản dị, hiện đại, những không gian nhà nhỏ và có trẻ em bởi nó sẽ tạo ra những khoảng trống tối ưu giúp các bạn nhỏ thoải mái vui chơi, khám phá mà không lo có quá nhiều vật cản nguy hiểm. Màu sắc chủ đạo trong phong cách này thường là những màu trung tính như: trắng, be, xám, đen, nâu gỗ,....Các họa tiết hoa văn cầu kỳ cũng được tiết chế tối đa, thậm chí là không có, giúp tổng thể căn phòng trông rất hài hòa, mát mẻ nhưng lại vô cùng tinh tế. Dù bạn thuộc tầng lớp nào thì Minimalism cũng có thể đưa tới những lựa chọn tối ưu cho căn nhà của bạn.
2. Phong cách thiết kế mộc mạc (Rustic)
Ưu tiên sử dụng những nguyên liệu từ thiên nhiên, chủ đạo là gỗ, đá, Rustic mang lại cho không gian sống của bạn một vẻ mộc mạc, đơn sơ và vô cùng ấm áp. Những thiết kế này thường được thấy nhiều ở các khu nghỉ dưỡng, resort, các căn bungalow…
Yếu tố chính cho một không gian mang phong cách rustic hiện đại là sự kết hợp của những đồ dùng hiện đại cùng những yếu tố kiến trúc tự nhiên, gam màu đơn giản, cửa sổ lớn mang theo ánh sáng bên ngoài vào tràn ngập căn phòng….Rustic sẽ phù hợp với một không gian lớn, các chi tiết tuy không quá cầu kỳ nhưng nhất định phải có một số chất liệu đặc trưng như những món đồ gỗ hoặc da thô, những chiếc thảm với hoa văn đơn giản,...Tất cả sẽ mang tới cho ngôi nhà của bạn một nét đẹp tự nhiên, giản dị nhưng không kém phần thanh lịch và tao nhã.
Nếu bạn cũng yêu thích những kiến trúc châu Âu và có khả năng tài chính tốt thì Rustic chắc chắn là một sự lựa chọn thông minh, thể hiện được đẳng cấp của bạn đấy!
>>>> XEM THÊM: 4 kiểu phong cách thiết kế kiến trúc điển hình hiện nay
3. Phong cách thiết kế cổ điển
Trái ngược với sự tối giản đầy hiện đại của Minimalism, đây là một phong cách chú trọng đề cao các họa tiết cầu kỳ và phức tạp. Vật dụng bên trong căn phòng luôn có những đường nét tỉ mỉ, đắt tiền khiến không gian sống mang đậm chất uy quyền và sang trọng.
Một căn nhà với nội thất được thiết kế theo phong cách cổ điển thường sẽ chọn hai gam màu chủ đạo trong phong cách này là trắng và vàng, tạo nên sự thoáng đãng, rộng rãi nhưng lại vô cùng ấm cúng, tinh tế cho căn phòng. Chất liệu gỗ là một trong những chất liệu đặc trưng trong phong cách cổ điển, ngoài ra còn có đá tự nhiên, thạch cao,...và pha lê - một chất liệu đặc trưng làm nên vẻ rực rỡ, xa hoa cho phong cách này.
Một căn nhà với diện tích lớn, không gian chung rộng rãi và được thiết kế theo phong cách cổ điển sẽ làm bạn cảm giác như đang lạc trong một cung điện thời xưa. Những chi tiết cầu kỳ, uốn lượn, nội thất lớn được trang trí bằng những chi tiết tỉ mỉ sẽ thể hiện được thịnh vượng, sung túc của gia chủ, mang lại sự cổ kính, an yên, xứng đáng là một không gian sống lý tưởng.
4. Phong cách Retro
Đây là phong cách thiết kế cực kỳ thịnh hành vào những năm 50-70 của thế kỷ trước, mang trong mình những giá trị hoài cổ, xinh đẹp, dịu dàng và đầy cuốn hút. Đặc điểm của đồ nội thất phong cách retro là sự đơn giản, đẹp, kết hợp giữa sự tinh tế và sang trọng, mang đến một không gian sống ấn tượng.
Khác hẳn với phong cách thiết kế nội thất vintage, retro mang trong mình một màu sắc nhẹ nhàng, cá tính với những gam màu pastel kết hợp cùng màu trắng, hoặc những gam màu đối lập đứng cạnh nhau tạo nên sự ngẫu hứng, vẻ đẹp rực rỡ cho căn phòng. Retro mang đến cho không gian sống sự sang trọng, sành điệu và thời thượng nhưng vẫn ẩn chứa những nét hoài cổ và hoang dại của thiên nhiên. Điểm nhấn không thể thiếu trong phong cách này là những mảng tường đầy nghệ thuật, khiến không giạn của bạn được bứt phá ra khỏi những giới hạn thông thường, kích thích trí sáng tạo và đầu óc tưởng tượng của bạn.
Một căn phòng sử dụng nội thất theo phong cách retro sẽ hoàn toàn phù hợp với những bạn trẻ cá tính, năng động và thời thượng đấy!
5. Phong cách tân cổ điển
Một phong cách tinh tế, kết hợp hoàn hảo giữa cổ điển và hiện đại, giữa sự tinh tế và đơn giản, giữa nét sang trọng, quý phái và sự trẻ trung, hiện đại. Lược bớt những chi tiết rườm rà, đơn giản hóa với những chi tiết được tích hợp nhiều công năng khiến cho không gian nội thất luôn được “thoáng mắt” nhất có thể. Chính sự hoàn hảo trong từng chi tiết khiến phong cách này được nhiều người yêu thích và giữ vững vị trí đến tận ngày hôm nay.
Thiết kế tân cổ điển lấy cảm hứng từ phong cách cổ điển truyền thống, kết hợp với vật liệu, thiết bị và kỹ thuật chế tác hiện đại. Nội thất tân cổ điển phù hợp với hầu hết mọi không gian và có vẻ đẹp vượt thời gian, bất kể là không gian riêng tư hay công cộng. Trong các thiết kế tân cổ điển, việc phân chia các ô, mảng tường theo tỷ lệ vàng được coi là chìa khóa khiến không gian trở nên quyến rũ hơn, rút ngắn thời gian thi công nhanh chóng và đảm bảo độ sắc nét, tinh xảo trong từng chi tiết.
Bên cạnh đó, màu sắc được sử dụng luôn là những gam màu khoác lên cho căn phòng vẻ sang trọng, quý phái, tone sur tone từ tường đến nội thất bên trong. Chính điều này đã giúp những thiết kế này phù hợp với mọi không gian, phá vỡ tính đơn điệu, rập khuân, đồng thời thể hiện được gu thẩm mỹ độc đáo của chủ nhân.
6. Phong cách hiện đại
Cụm từ này có lẽ không còn quá xa lạ với hầu hết mọi người, tuy nhiên đừng vội nhầm lẫn giữa hai phong cách hiện đại và đương đại nhé vì chúng hoàn toàn khác nhau đấy. Nếu phong cách đương đại tập trung chủ yếu vào phần không gian, với bố cục của thiết kế tương đối đơn giản nhưng tinh tế từ những đường thẳng, hình khối hay gam màu táo bạo, thì thiết kế hiện đại lại sử dụng các thiết kế kiến trúc cơ bản, đơn giản, sử dụng màu sắc trung tính với cách phối cùng một màu nhưng nhiều tông đậm, nhạt khác nhau, đồ đạc đánh bóng và không cân bằng đối xứng.
Trên thực tế, phong cách hiện đại không được ấn định với bất kỳ thời kỳ nào, vì nó được thay đổi và phát triển linh hoạt qua các thời kỳ khác nhau, kết hợp cùng những yếu tố hiện đại tại thời điểm đó. Thiết kế hiện đại chú trọng nhiều vào việc tạo ra những khoảng trống cho căn nhà thoáng đãng và lưu thông thuận tiện, sử dụng nhiều ánh sáng, loại bỏ tối đa những chi tiết trang trí rườm rà và sử dụng hầu hết các chi tiết tự động để tạo ra sự tiện nghi tối đa cho ngôi nhà.
7. Phong cách đương đại (Contemporary style)
Đa số những ngôi nhà được thiết kế theo phong cách đương đại sẽ tập trung vào phần không gian nhiều hơn. Bố cục của thiết kế đương đại tương đối đơn giản nhưng tinh tế, không sử dụng quá nhiều mà chỉ sử dụng những nội thất được kết hợp nhiều công năng, mang hình dáng cơ bản.
Thay vào những hoa văn uốn lượn cầu kỳ, những chi tiết trang trí trong phong cách này hầu hết là các đường thẳng, khoảng cách giữa các nội thất cũng có sự cách biệt đáng kể để tạo thành không gian thoáng đãng, giúp phòng ốc được rộng rãi hơn. Màu sắc trong không gian đa phần là đơn màu, trung tính như trắng hoặc đen, kết hợp cùng những màu sắc tươi sáng, nổi bật hơn để làm bật lên những đường nét của nội thất bên trong. Kết cấu trong phong cách thiết kế đương đại vừa dễ lại vừa không dễ. Bạn có thể bắt gặp những mảng tường trơn không sơn màu hay tráng xi măng, hay những đường dẫn nước “lộ thiên”, những chiếc cột ở giữa nhà,...nhưng lại không hề làm cho không gian trở nên xấu đi, mà ngược lại còn giúp tạo ra nét độc đáo đầy thẩm mỹ cho không gian căn phòng của bạn.
>>>> ĐỌC NGAY: Ba loại cây phong thủy nhất định phải trồng để tăng may mắn
8. Phong cách Eco
Phong cách Eco xuất hiện vào những năm đầu thế kỷ 20, kêu gọi một lối sống thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với môi trường, nhằm bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu. Một trong những đặc tính của phong cách Eco là sử dụng vật liệu có nguồn gốc thiên nhiên, những vật liệu có thể tái chế, tái sử dụng, tránh gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và có tính bền vững cao. Bên cạnh những giá trị và nguyên tắc liên quan đến môi trường sinh thái, khi đưa vào không gian nội thất, các nhà thiết kế còn kết hợp vào đó nét đẹp của thiên nhiên và tay nghề của người thợ thủ công để không gian trở nên gần gũi, tiện nghi, thân thiện và hòa hợp với thiên nhiên hơn.
Như đã đề cập ở trên, những vật liệu được sử dụng chủ yếu trong phong cách Eco là những vật liệu tự nhiên, có thể tái sử dụng hoặc tái chế như gỗ, mây, tre, thủy tinh, giấy,...kết hợp cùng những màu sắc tươi sáng như trắng, be, nâu, xanh lá, pastel,....mang lại sự ấm áp, tươi mới và hiện đại cho căn phòng.
Sử dụng phong cách Eco cho căn nhà của bạn sẽ mang lại những lợi ích tuyệt vời, bởi mang cây xanh vào căn phòng giúp không khí được lọc sạch hơn, hấp thụ bớt các chất độc hại, khử mùi,..tạo ra một không gian sống lành mạnh, cải thiện được tâm trạng của bạn và xoa dịu những mệt mỏi sau một ngày dài vất vả.
9. Phong cách Bắc Âu - Scandinavian
Sự tối giản trong thiết kế, những bức tường trắng, sàn gỗ và đồ nội thất Bắc Âu mang đậm phong cách hiện đại chính là đặc điểm dễ thấy trong phong cách Scandinavian. Đây là xu hướng giúp cân bằng giữa vẻ đẹp và sự tiện dụng, tập trung vào các yếu tố đơn giản, sự tối giản với các chức năng riêng biệt. Phong cách này rất phù hợp với những căn hộ có diện tích nhỏ, bởi nó tạo ra một khoảng không gian thoáng và rộng hơn, giảm cảm giác chật hẹp của căn phòng.
Bạn có thể dễ dàng nhận thấy phong cách vùng biển Bắc Âu chuộng tông màu trắng, vật liệu thô mộc tự nhiên, lông thú và da. Sử dụng những nội thất bên trong bật tông lên như màu xanh dương, nâu, đen,...cùng những chiếc rèm trắng mỏng, những vật phẩm trang trí thủ công tạo nên một không gian sống tràn ngập ánh sáng, tươi mới và tinh tế. Các mẫu hoa văn rõ sử dụng gam màu đối lập với màu nội thất giúp chúng nổi bật hơn, tạo điểm nhấn cho không gian không bị đơn điệu, nhàm chán, đồng thời cũng tạo nên những đường nét mềm mại hơn trong thiết kế Scandinavian.
10. Phong cách Industrial
Ra đời trong hoàn cảnh cuộc cách mạng công nghiệp Châu Âu suy thoái vào những năm đầu thế kỷ 20, đây là một giải pháp tuyệt vời trong việc biến những nhà máy bị bỏ hoang tại Tây Âu do chuyển xưởng sản xuất sang các nước thứ ba có chi phi thấp hơn thành những khu dân cư. Tận dụng những gì có sẵn đồng thời đưa các trang thiết bị phục vụ cuộc sống vào, các kiến trúc sư đã tạo nên một không gian hiện đại, tinh tế nhưng không kém phần độc đáo, phá cách.
Ngày nay, khi nhắc tới phong cách công nghiệp Industrial, ta nhắc tới một sự đơn giản, thô sơ, gọt bỏ đi những thứ rườm rà, xa hoa và chỉ chắt lọc lại những gì thuần túy, thuần khiết nhất để tô điểm cho không gian sống. Phong cách này rất phù hợp trong việc bố trí văn phòng làm việc, đề cao tính thiết yếu của mọi thành phần trong không gian.
Đặc điểm chính để nhận diện phong cách Industrial là những bức tường thô, tường ốp gỗ tự nhiên hay những bức tường bằng bê tông mài,...tạo nên một không gian công xưởng giả lập bằng sự đơn giản những không kém phần tinh tế, thu hút. Thiết kế cửa sổ rộng để tận dụng nguồn sáng tự nhiên, đồ nội thất thường mang những tông màu tối, sẫm, tối giản tối đa để tối ưu không gian sống một cách tốt nhất. Màu sắc sử dụng trong phong cách này thường là những tông màu trầm như trắng, xám, navy, nâu gỗ sậm, đen, tạo ra nét cổ điển cho căn phòng cùng với những chất liệu thường thấy trong phong cách này làm tổng thể căn nhà trở nên dễ chịu, gần gũi hơn.
11. Phong cách thiết kế Đông Dương (Indochine style)
Dù đã trải qua vài chục năm nhưng những công trình kiến trúc mà Pháp để lại vẫn giữ được vẻ đẹp tinh tế và bền vững của riêng mình. Phong cách Indochine là sự kết hợp tinh tế, hài hòa giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây, giữa niềm hoài cổ của truyền thống Á Đông và sự lãng mạn, hiện đại của kiến trúc Pháp. Nó vừa mang tính thẩm mỹ cao, vừa thể hiện được tinh hoa văn hóa giữa hai khu vực trên thế giới cùng bản sắc và bề dày lịch sử.
Ở Việt Nam, phong cách Indochine chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hóa Trung Quốc nên không khó để thấy được hầu hết những đường nét hoa văn trong họa tiết trang trí đều là những nét kỷ hà đơn giản, cách điệu từ hoa lá, những họa tiết tĩnh vật hoặc những hoa văn xuất hiện từ thời Đông Sơn.
Tông màu được sử dụng chủ yếu là những gam màu quen thuộc như vàng nhạt, vàng kem, trắng, kết hợp cùng nội thất bằng gỗ, tre như sập, gụ, phản, bình phong,...tạo nên một không gian sống gần gũi, đậm chất Á Đông. Ngoài ra, những bức phù điêu hay tượng Phật, linh thú hay các biểu tượng quen thuộc như sen, bồ đề,...cũng là những điểm nhấn đặc sắc cho không gian của Indochine.
Trên đây là những nét cơ bản về 10 phong cách thiết kế đang được ưa chuộng hiện nay. Hy vọng những thông tin trên sẽ mang đến cho các bạn một lựa chọn ưng ý cho ngôi nhà của mình.
Nếu có bất cứ thắc mắc gì, các bạn hoàn toàn có thể liên hệ với chúng tôi. Thầy Tam Nguyên cùng đội ngũ kiến trúc sư giàu kinh nghiệm sẽ giúp bạn lựa chọn, thiết kế nên ngôi nhà vừa có tính thẩm mỹ cao, vừa hài hòa về phong thủy, mang đến cho bạn những sự lựa chọn tối ưu nhất.
Gọi số hotline: 1900.2292 hoặc click NGAY để lại Họ tên + SĐT, các Trợ lý của thầy Tam Nguyên sẽ liên hệ và hỗ trợ bạn tận tình, hoàn toàn miễn phí.
>>>> ĐỪNG BỎ LỠ BÀI VIẾT:
- Bàn thờ nên treo chữ gì? 9 chữ rước tài lộc, bình an
- Bố trí nơi học tập hợp phong thuỷ