Nguyên Tắc Thanh Trọc Trong Nhân Tướng

(0)
"Thanh", "trọc" là gì và ứng dụng thế nào trong xem tướng?
Cẩm nang kiến thức phong thủy trực tuyến

Trong tướng học Á Đông, “thanh” và “trọc” là 2 ý niệm căn bản để giải đoán quý tiện, cát hung, thành bại, thọ yểu của con người. Khái niệm “thanh” và “trọc” chi phối hầu hết các nét tướng. Có thể nói, mọi lĩnh vực quan sát của tướng học Á Đông đều hướng đến việc tìm tòi, phân biệt những đặc điểm “thanh”, “trọc” rồi dựa vào đó để luận đoán. Vậy thực chất “thanh” và “trọc” là gì?

1.Khái niệm “thanh” và “trọc”

1.1.Thanh: 

Thuật ngữ “thanh” chỉ tất cả các nét tướng tốt của con người, từ tướng cơ thể đến tướng tinh thần, từ nét tướng động, tĩnh và cả những nét tướng phối hợp động, tĩnh, bao gồm những đặc điểm tốt về phẩm và về lượng dưới mọi dạng thức.

Nếu nói về sắc da, “thanh” có nghĩa là sắc da tươi nhuận, ưa nhìn, không đậm, không nhạt. Trong trường hợp này, việc đánh giá tính chất “thanh” nghiêng về chủ quan và trực giác hơn là khách quan theo nghĩa thông thường.

Xét về giọng nói, “thanh” chỉ giọng nói trong trẻo, âm lượng vừa phải, không quá lớn cũng không quá nhỏ, tạo cho người nghe cảm giác dễ chịu. Giọng nói “thanh” không phải để chỉ lý luận có lý mà muốn nói đến tính chất ấm áp hay trong trẻo, rõ ràng, không rè, không chát.

Xét về cử chỉ, “thanh” có nghĩa là cử chỉ mực thước, quý phái, không sỗ sàng, cương như thích hợp. Đó là cử chỉ của người hào hoa, phong nhã. 

Nói về bộ vị, “thanh” là sự kết hợp hài hòa tạo thành một tổng thể cân xứng, linh động, có sinh khí, có thẩm mỹ. Cặp lông mày được gọi là “thanh” khi sợi lông mày không lớn hơn sợi tóc, sắc lông mày đen mượt. Mũi “thanh” là mũi thẳng, cao, không lệch, Lân đài và Đình úy không quá lớn, đầu mũi không quá đầy đặn.

Nói về Ngũ hành hình tướng, người hình Mộc (Giáp Mộc) được coi là “thanh”, người trọng Thổ bị xem là “trọc”.

Nói về thần khí, người mắt lồi, không có thần khí, hoặc lòng đen, lòng trắng mờ đục thì không “thanh”. Trái lại, ánh mắt sáng, êm dịu, tinh anh, đồng tử trong suốt như pha lê, lòng đen lòng trắng rõ ràng, thuần khiết, không mờ đục, không có tia máu được coi làn thần thanh, khí sảng.

Nói về tổng quát, nếu có sự phối trí tương xứng giữa các thành phần trong bộ vị cơ thể thì được gọi là “thanh”. Ví dụ, phía sau đầu và trước mặt, phía phải và trái khuôn mặt cân xứng với thân mình được xem là “thanh”, trong phép phối hợp Ngũ hành của cơ thể, những tướng chính cách hay tướng tạp cách nhưng không xung khắc được xem là “thanh”.

1.2.Trọc:

Ngược lại với “thanh” là “trọc”, để chỉ tất cả những gì không hợp tiêu chuẩn. Thông thường người ta hay cho những gì thái quá là “trọc”, nhưng trong tướng học tất cả những gì bất cập cũng đều là “trọc”. Chẳng hạn như:

- Khuôn mặt vừa vặn mà mũi thì quá lớn, Chuẩn đầu quá mập, Lan đài và Đình úy quá nảy nở như các loại mũi sư tử, mũi túi mật đều được xem là “trọc”.

- Hình Thổ quá nặng nề, chậm chạp là Thổ trọc.

- Giọng Mộc cao nhưng không trong trẻo là giọng Mộc trọc.

- Sắc da trắng nhưng khô, trông như phấn mốc gọi là sắc trọc.

- Tâm tính hẹp hòi không tương xứng với thân thể khôi ngô tuấn tú là tâm trọc

- Âm dương, Ngũ hành không điều hòa là Âm dương trọc

Dưới nhãn quan tướng học, “thanh” thì quý, “trọc” thường bị xem là tiện. “Thanh” chủ về quý, thọ, vinh hiển, thành đạt còn “trọc” thì ngược lại. Tuy nhiên đây chỉ là tổng quát, còn trong phép đoán tướng, người ta phải đi sâu vào từng chi tiết nhỏ và hết sức tinh tế để phân biệt đâu là “thanh” hay “ trọc” một cách cẩn thận rồi mới đưa ra xét đoán.

2.Mối quan hệ giữa “thanh” và “trọc”

Nếu đưa các nguyên tắc và tiêu chuẩn “thanh” và “trọc” ứng dụng vào thực tế để xem tướng, chúng ta rất ít khi gặp một cá nhân nào có tướng thuần túy “thanh” hoặc tướng thuần túy “trọc”. Chỉ khác nhau ở chỗ: có người “thanh” ít “trọc” nhiều, có người “thanh” nhiều “trọc” ít. Vậy nên ta có thể thấy, trong “thanh” sẽ có “trọc”, trong “trọc” thì có “thanh”. 

Trong quan điểm của tướng học, “thanh trung hữu trọc” được xem là cái đẹp không hoàn thiện, trong cái hay đã tiềm ẩn cái dở nên thường dùng để chỉ trường hợp tốt đẹp bên ngoài. Ngược lại, “trọc trung hữu thanh” được xem là cái xấu bao phủ cái đẹp, nhưng vì vẫn là cái đẹp không được toàn mỹ nên lúc đầu bị vùi dập, sóng gió, về sau mới có kết quả tốt lành.

Cũng bởi lẽ trên, trong thực tế có những người mặt mũi khôi ngô hoặc dung mạo xinh đẹp mà công danh, sự nghiệp không thành, cuộc đời gian nan, lận đận. Những người như thế thuộc tuýp “thanh trung hữu trọc”. Ngược lại có những người thoáng qua thấy tướng mạo bần hàn, không tạo được thiện cảm mà rốt cuộc lại trở thành đại quý, đại phú là vì hợp cách “trọc trung hữu thanh”.

“Thanh” thì quý, nhưng con người thường có cả “thanh” lẫn “trọc”. Vậy câu hỏi đặt ra là “thanh trung hữu trọc” tốt hơn hay “trọc trung hữu thanh” tốt hơn? Câu trả lời là “trọc trung hữu thanh” sẽ tốt hơn, tuy nhiên cũng còn tùy thuộc vào nhiều dữ kiện khác nữa. 

3.Nguyên tắc “thanh”, “trọc” và những ứng dụng thực tế

Nguyên tắc “thanh”, “trọc” được ứng dụng vào rất nhiều trường hợp. Chẳng hạn:

- Phân biệt 4 loại tướng quý (thanh, kỳ, quái, cổ) với 4 loại tướng tiện (hàn, trọc, tục, lậu)

- Phân biệt phần tiện trong tướng quý, phần quý trong tướng tiện của phụ nữ

 

Trên đây là vài nét sơ lược về “thanh”, “trọc” mà các bạn thường được nghe thấy trong nhân tướng học. Để hiểu rõ hơn về cách xem tướng của từng tướng người, các bạn hãy đón đọc những bài viết tiếp theo của Phong Thủy Vượng nhé!

  • Tổng thư ký Hiệp hội dịch học Thế giới phân hội Việt Nam

  • Viện phó thường trực Viện nghiên cứu & Phát triển Văn hóa Phương Đông

  • Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc Phong thủy Tam Nguyên.

Đặt Lịch Tư Vấn

Quý khách để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất trong vòng 24h
1900.2292
1900.2292 Facebook Page Facebook Messenger Zalo Chat Chat trực tiếp

Hỗ trợ